Du hoc Nhat Ban - Tọa lạc tại tỉnh Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, Kushiro – vùng đầm lầy rộng lớn với tổng diện tích 183 km2 – là môi trường sinh sống của khoảng 2.000 loài động thực vật và chim nước.
Vào các mùa trong năm, đầm lầy là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, nhưng đến mùa đông, toàn bộ khu vực chìm trong tuyết trắng. Sự bất lợi này vẫn không thể cản trở Kushiro trở thành thiên đường kết đôi và sinh sản của sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm trên thế giới mà người Nhật gọi là hạc Tancho. Hiện nay, có trên 1.000 con hạc Tancho đang cư trú tại khu đầm lầy này.
Với chiều dài sải cánh lên đến 1.4m, chim hạc là loài chim lớn nhất Nhật Bản và được người dân xứ sở này xem như biểu tượng đặc biệt của tự nhiên. Chữ “tan” trong từ tancho có nghĩa là màu đỏ và chữ “cho” dùng để chỉ chỏm lông trên đầu. Nguồn gốc của từ tancho xuất phát từ đặc điểm của loài hạc là chỏm lông màu đỏ giống như chiếc mũ ngay đỉnh đầu.
Hạc tancho là tên gọi mang tính trang trọng. Thông thường, người Nhật dùng từ “tsuru(鶴)” để gọi loài chim cao quý này.
Chim hạc là loài vật chung thủy, khi con trống và con mái kết đôi, chúng sống bên nhau suốt đời không thay đổi. Chính vì vậy, người Nhật xem chim hạc là biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng. Họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và được ưa chuộng trên trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác.
Vòng đời của chim hạc từ 30 – 60 năm. Chúng là loài lông vũ có tuổi thọ cao nhất trong họ nhà chim. Vì thế, từ xa xưa, người Nhật và dân các nước phương Đông đã quan niệm, chim hạc và rùa là hai linh vật tượng trưng cho sự trường thọ. Rùa và chim hạc là đề tài chủ đạo trên các bức tranh giấy cuộn dùng để trang trí trong nhà người Nhật.
Hạc giấy là hình ảnh rất quen thuộc trong bộ môn nghệ thuật xếp hình ori-gami. Tại Nhật Bản, người ta tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự an lành, hạnh phúc và thuận lợi. Niềm tin này đã phần nào cổ vũ tinh thần, giúp nhiều người vượt qua khó khăn.
Hạc giấy còn là biểu tượng của hòa bình. Ngoài ra, người Nhật cũng cho rằng, chim hạc mang lại sự may mắn. Suy nghĩ đó có liên quan đến chỏm lông màu đỏ trên đỉnh đầu của chúng. Trong dân gian tồn tại nhiều câu chuyện cổ tích về vận may mà loài chim này mang đến cho con người. Nổi tiếng nhất là câu chuyện “Tsuru no On-gaeshi”, tạm dịch “Chim hạc đền ơn”.
Ngày xưa, có một lão nông nhân hậu tình cờ bắt gặp con chim hạc đang mắc bẫy, ông đã giải thoát cho con vật đáng thương ấy. Vào một đêm mùa đông tuyết rơi nặng hạt, một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa nhà vợ chồng ông lão. Cô gái cho biết, mình bị lạc đường và xin ông bà lão cho tá túc. Vợ chồng bác nông dân tốt bụng vui lòng nhận lời.
Cô gái lưu lại nhà của họ trong một thời gian. Hàng ngày, cô giam mình trong phòng để dệt vải. Ít lâu sau, cô dệt xong một tấm vải tuyệt đẹp và mang nó tặng cho vợ chồng ông lão.
Một ngày nọ, vợ chồng bác nông dân lén vào phòng của cô gái để tìm hiểu sự việc. Họ không tin vào mắt mình khi thấy một con chim hạc đang dệt vải bên khung cửi. Chim hạc tự bứt những chiếc lông trắng tinh trên cơ thể để làm nguyên liệu dệt. Cô gái xinh đẹp chính là chim hạc hóa thân, khi bị nhìn thấy hình dáng thật, chim hạc không thể trở lại hình người. Nó từ biệt ông bà lão để quay về trời xanh sau khi gửi lại cho họ những tấm vải quý dệt từ những chiếc lông mịn màng của nó như một sự đền ơn.
Echigo sưu tầm.